Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Đạo Phật

Đạo Phật là một tôn giáo tự lực, ra đời vốn giải thoát bốn chân lý sanh, già, bệnh, chết, đem lại cho loài người một chương trình giáo dục đào tạo con người đầy đủ đạo đức nhân bản - nhân quả làm người, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai, đó là đạo đức của loài người trên hành tinh này, nhờ nó mà con người mới thoát ra khỏi bản tính của loài động vật.

Đạo Phật không có dạy triết lý, không có dạy mê tín, không có dạy khoa học, không có dạy siêu việt, không có dạy tâm lý. Đức Phật dạy cho con người biết sống một đời sống an vui, không làm khổ mình, khổ người, sống thanh thản trước những diễn biến của nhân quả, và luôn luôn lúc nào cũng làm chủ nhân quả là biết sống đúng đạo đức Đạo Phật. Đạo Phật là một tôn giáo không cần phải ngồi thiền nhập định từ ngày này sang ngày khác, không cần ngồi thiền như gốc cây cục đá, chỉ cần sống như một người bình thường nhưng làm chủ thân tâm một cách cụ thể rõ ràng.

Khi một người bước chân vào đạo Phật thì phải sống làm chủ cái ăn, cái ngủ trước tiên, rồi sau đó tiếp tu tập ngăn chặn và diệt những thói quen tật xấu khác. Đạo Phật là Đạo Trí Tuệ, Đức Phật dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi”, cho nên kiến giải của các Tổ, dù là các Tổ Nam Tông hay Bắc Tông, thì vẫn không đúng lời dạy của Đức Phật, không có ích lợi giải thoát gì.

Có nhiều người tham vọng cao nên quyết tâm đi du học từ nước này đến nước khác, nhưng cuối cùng chẳng làm chủ được những gì trên thân tâm của họ, nhưng lại mang danh đi tu khắp nơi trên thế giới để “nổ” với mọi người, chớ có lợi ích gì cho bản thân, chỉ vì danh mà thôi.

Học mà không tu như cái tủ đựng kinh sách. Đạo Phật dạy đạo đức nhân bản – nhân quả rất thực tế và cụ thể. Đức Phật là một nhà tâm lý học thông suốt mọi tình cảm, tâm tư và nguyện vọng của mọi người. Vì thế, giáo pháp của Ngài dạy toàn là đạo đức làm người.

Vì dạy đạo đức làm người nên nói về tâm lý của con người rất là sâu sắc:

1- Dạy người cư sĩ không làm nghề nghiệp ác để tránh nhân quả xấu như: tai nạn, bịnh tật, yểu tử, v.v...

2- Dạy chư Tăng không ăn thịt chúng sanh bằng sự ý tứ cẩn thận trong từng miếng ăn của mình bằng một tấm lòng thương yêu rộng lớn đối với muôn loài chúng sanh.

3- Dạy Phật tử không nên cúng dường thịt chúng sanh làm ra thực phẩm cho Phật và chúng Thánh Tăng. Cúng dường như vậy là phi pháp, phi công đức (không có phước báo mà còn thêm tội lỗi). Toàn bộ giáo lý của đức Phật từ sơ thiện, trung thiện, đến hậu thiện, dạy con người cách thức sống trong thiện pháp, ngăn ngừa và đoạn dứt các ác pháp.

Vì thế, mà ngay từ bước đầu tiên đức Phật đã dạy người cư sĩ không làm sáu nghề nghiệp ác. Theo nhân quả thì mỗi người phải tự chuyển nghiệp của mình, chứ không ai chuyển nghiệp cho ai được. Và vì vậy mọi người phải tự cứu mình.

Phải sống trong thiện pháp để chuyển được quả khổ đau, giúp cho đời sống thanh thản, an lạc. Trong đạo Phật chỉ có giới luật là pháp xả tâm không bị ức chế mà thôi, còn tất cả pháp khác tu tập đều bị ức chế tâm cả. Đạo Phật là đạo vô ngã. Người tu sĩ đi dạy đạo lúc tu hành chưa xong thì chỉ có nuôi ngã làm cho ngã lớn hơn thì đó là đi ngược lại đạo Phật. Ngày nay có những hệ phái Phật giáo tràn đầy tha lực thần quyền, thiếu thực tế, chỉ cúng tế lạy lễ, mang đầy hình thức mê tín dị đoan, khiến cho tín đồ mất niềm tin tự chủ. Đạo Phật có sáu chặng đường vào Niết Bàn: Chặng đường 1: những vị tu hành đã đoạn trừ các lậu hoặc và các hữu kiết sử, tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Chặng đường 2: cần diệt trừ năm hạ phần kiết sử thì chết vào Niết Bàn.

Chặng đường 3: cần diệt trừ ba kiết sử và làm giảm thiểu tâm tham, sân, si thì vào Niết Bàn. Chặng đường 4: cần diệt ba kiết sử thì nhập vào Niết bàn. Chặng đường 5: tùy theo pháp thiện hay ác mà giữ gìn tâm thanh thản an lạc thì vào Niết Bàn.

Chặng đường 6: biết đối xử với mọi người không làm khổ mình khổ người và tất cả chúng sinh thì khi bỏ thân này cũng vào Niết Bàn. Xét qua sáu chặng đường tu tập này chúng ta mới thấy đạo Phật tu hành tùy theo căn cơ và trình độ của mỗi người, chúng ta muốn đi chặng nào cũng được chỉ tùy vào sức lực, vào khả năng của mình mà chọn lấy nẻo vào Niết Bàn.

Gợi ý